Print trang này

Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ (Fed) tròn 100 tuổi

Người ta nói nhiều về chính sách tung tiền mặt ra thị trường tài chánh, gọi là QE (Quantitative Easing), đến việc Fed mua lại các trái phiếu, đến chương trình QE-3 mỗi tháng $85 tỷ và dự trù sẽ rút xuống còn $75 tỷ từ đầu năm tới. Người ta cũng biết về sự quan tâm theo dõi trong giới tài chính, đầu tư và các nhà giao dịch chứng khoán đối với các quyết định của Hội Đồng Chủ Tịch Fed qua mỗi lần họp thường kỳ.

Nhưng thật ra rất ít ai  hiểu rõ cơ cấu tổ chức và hoạt động cùng tầm ảnh hưởng của Fed như thế nào, mặc dầu Fed đứng ở trung tâm mọi vấn đề của nền kinh tế Hoa Kỳ và do đó tác động đến toàn cầu.

 

Fed ra đời đến nay là đúng 100 năm khi Tổng Thống Woodrow Wilson ký ban hành đạo luật thành lập – Federal Reserve Act – ngày 23 tháng 12 năm 1913. Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang hay  Ngân Hàng Liên Bang Hoa Kỳ , quen gọi là Fed,  được thành lập khi ấy với lý do một hệ thống ngân hàng trung ương là cần thiết để điều phối thị trường. Quốc Hội Hoa Kỳ nhắm tới ba mục tiêu chính trong đạo luật: nhân dụng tối đa nghĩa là sao cho mọi người đều có việc làm, ổn định vật giá và giữ cho lãi suất dài hạn ở mức vừa phải.

Vai trò và trách nhiệm của Fed đã mở rộng và có nhiều thay đổi qua thời gian. Theo lời giải thích chính thức, hiện nay Fed trách nhiệm ấn định chính sách tiền tệ quốc gia, giám sát và quy định các cơ chế ngân hàng, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, cung cấp dịch vụ tài chính cho các thể chế ký thác, chính phủ Hoa Kỳ và các thể chế chính thức ngoại quốc.

Cấu trúc căn bản của Fed bao gồm: Hội Đồng Thống Đốc do Tổng Thống bổ nhiệm, Ủy Ban Thị Trường Liên Bang, 12 Ngân Hàng khu vực của Fed và các ngân hàng thành viên có cổ phần tại các ngân hàng khu vực. Trụ sở trung ương Fed đặt tại Washington D.C., 12 Ngân Hàng khu vực Fed ở 12 thành phố lớn: Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco. Sự phân chia khu vực căn cứ theo dân số vào thời kỳ Đạo Luật Dự Trữ Liên Bang được ban hành cách nay 100 năm. Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang khu vực 12, trụ sở tại San Francisco, do đó bao trùm một diện tích rông lớn nhất.

Chủ Tịch Fed hiện nay là ông Ben Bernanke do Tổng Thống George W. Bush bổ nhiệm năm 2006 và Tổng Thống Obama tái bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ nhì năm 2010. Ông đã xin nghỉ hưu và bà Janet Yellen, Phó Chủ Tịch, được Tổng Thống Obama chỉ định thay thế. Nếu được Thượng Viện chấp thuận, bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang.

Lịch sử 100 năm của Fed có những thành công và cũng không ít thất bại. Trong những năm đầu tiên, Fed điều hành lượng tiền tệ lưu thông bằng cách mua hay bán vàng và tăng hay giảm lãi suất cho các ngân hàng vay. Nhưng Thống Đốc ngân hàng Fed ở New York dần dần nhận ra rằng vàng không còn là yếu tố chính để kiểm soát tín dụng trong kinh tế. Ông nhận thấy năm 1923 bằng cách mua lại nhiều chứng khoán nhà nước, Fed có thể bơm tiền vào thị trường để làm hạ lãi suất.. Đó là bước đầu của biện pháp QE và chứng tỏ Fed không phải chỉ là một cơ quan cung ứng việc cho vay khẩn cấp mà có khả năng vận hành nền kinh tế.

Nhưng cuối thập niên 1920 và qua thập niên 1930, nhiều vụng về trong phương cách điều hành thị trường của Fed đã góp phần trách nhiệm đưa đến hậu quả đại khủng hoảng kinh tế. Những năm sau đó, do bất đồng quan điểm giữa Fed với chính quyền về vấn đề lãi suất mở đường cho Fed dần dần trở thành một cơ cấu được độc lập về hành động,

Có rất nhiều chỉ trích và phê phán về hệ thống ngân hàng trung ương. Những lập luận chống đối cho rằng hệ thống này tập trung quyền lực từ địa phương và tiểu bang về cho liên bang, rằng cơ cấu tổ chức là vi hiến và rằng hoạt động của nó cản trở nền kinh tế.

Michael Snyder trong bài viết trên trang mạng www.infowars.com hôm 23 tháng 12, 2013, nói rằng kể từ khi Fed thành lập, đã có 18 lần kinh tế khủng hoảng hay suy thoái, trị giá đồng dollar giảm 98% và nợ quốc gia của nước Mỹ lớn lên gấp 5,000 lần. Tác giả này nêu ra 100 lý lẽ để chúng minh rằng “nên cho Fed đóng cửa hẳn”.

Lý lẽ đầu tiên, theo Snyder: “Chúng ta muốn có một chính quyền của dân, vì dân, và cho dân. Nhưng thực tế là một nhóm người (Fed) không phải dân cử, không chịu trách nhiệm với ai, đã nắm quá nhiều quyền lực chi phối nền kinh tế hơn bất cứ cá nhân hay cơ chế nào khác trong xã hội”.

Tiếp đó, ông phàn nàn rằng vì Fed là độc lập, không phải một cơ quan của chính quyền nên không bị ràng buộc bởi đạo luật Tự Do Thông Tin và do đó có thể bưng bít mọi tin tức cũng như quyết định. Ông cũng lập luận rằng việc 12 ngân hàng khu vực được tổ chức như những công ty tư nhân là không hợp lý.

Có nhiều ý kiến và những vận động ở Quốc Hội cho là đã đến lúc cần phải cải tổ Fed. Trong số này có ý kiến cho là giai đoạn kinh tế Hoa Kỳ phát triển nhất khi không có một ngân hàng trung ương. Tựu chung, quan điểm về cải tổ bao gồm trong hai điểm then chốt: quyền phát hành giấy bạc trở về với chính quyền và Fed chỉ là một cơ quan công ích của dân phục vụ cho dân.

Đọc 6619 thời gian Sửa lần cuối vào 24 12
Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)